Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

TỪ LOÀI CHÓ ĐẾN CON NGƯỜI Bệnh Giun Chỉ

TỪ LOÀI CHÓ ĐẾN CON NGƯỜI

Bệnh Giun Chỉ



Keywords: Dirofilariasis, Canine heartworm

Ký sinh trùng Dirofilaria immitis là một loại giun chỉ (filaria) thường sống ký sinh trong tim chó và đôi khi cũng gặp trong tim mèo.

Đây là giun tim chó (canine heartworm). Những năm gần đây có rất nhiều báo cáo khoa học cho biết có bằng chứng giun chỉ Dirofilaria có thể từ thú lây nhiễm sang cho người.

Bắt Đầu Từ Bệnh Giun Tim Chó

Giun tim chó D. immitis là một bệnh ký sinh khá phổ biến khắp thế giới. Bệnh thường xảy ra nhiều nhất ở loài chó, bất kỳ con đực hay cái, bất kỳ tuổi tác hay nơi chốn ở.

Bệnh cũng còn có thể thấy ở mèo nhà và ở một số thú rừng như chó sói, coyote, chồn và ferret (chồn sương?), sư tử biển sea lion nữa...

Người cũng có thể bị nhiễm loại giun ký sinh nầy, tuy nhiên rất là hi hữu hiếm thấy xảy ra.

Chó là ký chủ thật sự (definitive host) của giun tim Dirofilaria immitis.

Giun trưởng thành dài từ 6 cm đến 30 cm, con đực nhỏ hơn con cái. Thông thường có từ vài chục đến một hai trăm giun sống trong tâm thất phải (right ventricle) và trong động mạch phổi (pulmonary artery) của loài chó.

Giun đực và cái giao hợp nhau đẻ ra vô số ấu trùng microfilariae giai đoạn 1 hay L1 vào trong máu.

Muỗi là ký chủ trung gian (intermediate host) của giun D. immitis.

Khi muỗi hút máu chó bệnh thì hút luôn cả ấu trùng L1.

Trong bụng muỗi, L1 sẽ chuyển biến qua nhiều giai đoạn trong vòng 2 tuần lễ để trở thành ấu trùng L3.

Sau đó, L3 di chuyển lên tuyến nước bọt của con muỗi. Chỉ có ấu trùng L3 mới có khả năng lây nhiễm (infective stage) cho thú vật và cho người. Khi muỗi hút máu một con chó, nó sẽ bôm luôn ấu trùng L3 vào con vật. L3 theo máu chạy khắp cơ thể và thường vào các sớ cơ và phát triển thành ấu trùng L4 rồi L5...

L5 được xem như thật sự là một con giun con. Cuối cùng L5 chạy về tim để tiếp tục trưởng thành. Thời gian từ lúc ấu trùng L3 xâm nhập vào cơ thể chó đến lúc chúng trở thành giun trưởng thành để có thể đẻ được thì cũng phải mất từ 7 hay 8 tháng.

Tùy theo giai đoạn phát triển và mức độ nhiễm của giun mà con chó sẽ biểu lộ ra những triệu chứng lâm sàng khác nhau, như thở khó, ho kinh niên, dễ mệt, bồn chồn (restlessness), mất cân, da và lông khô không được mướt, v.v... Giun có thể làm tắc nghẽn tim khiến tim phải tăng sức co thắt và bị triển dưỡng, yếu đi dẫn đến tình trạng suy tim (congestive heart failure) và bụng bị báng (ascite). Chó có thể chết.

Chẩn đoán bệnh giun tim chó có thể được thực hiện bằng nhiều cách:

1) Sử dụng kính hiển vi để tìm sự hiện diện của ấu trùng microfilariae trong máu.

Cách nầy có thể không hữu hiệu nếu thử quá sớm, vì số lượng ấu trùng còn quá ít, hoặc không có ấu trùng trong máu như trong trường hợp mà khoa học gọi là occult heartworm (có thể vì lý do chỉ có duy nhất một giống giun hoặc chỉ toàn là con cái hay chỉ toàn là con đực gọi là Single sex infection. Cũng có thể vì lý do giun đi lạc đường aberrant migration nên không gặp nhau để giao hợp được).

2) Tìm kháng thể (antibody) chống lại các giai đoạn của ấu trùng. Phương pháp nầy cũng không mấy hữu hiệu cho lắm vì lý do kháng thể có thể vẫn còn tồn tại trong máu một thời gian sau khi ấu trùng đã chết mất từ một vài năm về trước rồi.

3) Tìm chất sinh kháng (antigen) của giun cái đang đẻ. Kết quả rất thay đổi không đồng nhất.

4) Chụp hình quang tuyến Xray phổi và tim, để hy vọng tìm những sự biến đổi có thể nhìn thấy được chẳng hạn như tâm thất phải bị triển dưỡng và động mạch phổi phình to ra.

5) Dùng siêu âm (ultrasounds) để nhận diện sự hiện diện của giun trong tim.

Bệnh giun chỉ ở chó có thể phòng ngừa và chữa trị hữu hiệu bằng nhiều loại thuốc chích, uống, nhai chewable hoặc thoa ngoài da mỗi tháng để diệt ấu trùng (larvae) hoặc để diệt giun trưởng thành (adult). Đó là các loại thuốc như Thiacetarsamide, Ivermectin, Diethylcarbamazine DEC, Benzimidazole, Melarsomine dihydrochloride, Macrocyclic lactone ML, Milbemycin oxime, Selamectin, Moxidectin, Heartgard...

Coi chừng phản ứng thuốc vì có vài loại có chứa arsenic rất độc. Đôi khi việc chữa trị làm chết con chó vì lý do một số lượng quá nhiều giun bị giết cũng một lúc và xác của chúng làm tắc nghẽn mạch máu qua hiện tượng thromboembolism. Thường một sồ thuốc ngừa giun tim cũng đồng thời ngừa luôn giun móc (hookworms) và một số ký sinh trùng đường ruột khác nữa.

Đến Bệnh Giun Chỉ Ở Người

Điều nên nhớ là bệnh giun chỉ Dilofilariasis bắt buộc phải qua trung gian của con muỗi (Aedes, Culex, Anopheles) mới có thể phát triển và truyền lây được. Muỗi vừa là ký chủ trung gian vừa là vector của giun chỉ.

Người được xem là ký chủ rủi ro (accidental host) khác với chó là ký chủ tự nhiên (natural host) của giun Dirofilaria. Khi chúng ta bị muỗi cắn, ấu trùng L3 được muỗi bôm vào máu nhưng hầu như tất cả đều bị hệ miễn dịch tiêu diệt hết, ngoại trừ một số ít còn sót lại và tiếp tục phát triển trong cơ thể.

Tuy nhiên, vì người là ký chủ rủi ro cho nên sự tăng trưởng của giun không bao giờ được trọn vẹn hết, nghĩa là không thể đạt tới giai đoạn giun trưởng thành sinh dục (sexually mature) vì vậy chúng không thể nào đẻ được.

Bởi lý do nầy cho nên không thấy có ấu trùng microfilariae trong máu của người, và cũng không có vấn đề lây nhiễm giun chỉ từ người nầy sang cho người khác được.

Hai loại giun sau đây thường thấy hay lây sang cho người:

-* Dirofilaria immitis là giun nằm trong tim chó. Ở người, thay vì chạy vào tim chúng lại chạy vào các nhánh của động mạch phổi, gây tắc nghẽn lưu thông máu và qua hiện tượng infarction (mô nhồi máu) gây tổn thương một vùng phổi. Một nốt hay nodule lối 2cm được thành lập ngay nơi đó. Nếu nhìn qua hình quang tuyến Xray, sẽ thấy vết nám tròn cỡ đồng xu trên phổi ngay chỗ nodule. Trường hợp nầy rất dễ nhầm lẫn với bệnh tích lesion của cancer phổi.

-* Dirofilaria (Notchtiella) repens, thường định vị trong những nốt dưới da (subcutaneous nodules) ở loài chó và mèo. Ở người, giun có thể định vị trong một thời gian một vài năm trong các nốt dưới da (subcutaneous nodule), vùng vú, nách,trong bìu dịch hoàn (scrotum) và dưới lớp kết mạc của mắt (subconjunctival space). Khi giun chết, các nốt trở thành calci hóa.

Theo tài liệu cho biết, từ trước tới giờ cả thế giới đã có lối 782 ca nhiễm giun chỉ D. repens từ súc vật sang cho người.

Đôi khi giun vẫn còn sống ngọ ngoẹ lúc được phát hiện ra. Điển hình là vào tháng giêng 2008 Đại học Y khoa Hà nội có báo cáo lần đầu tiên Việt Nam đã tìm thấy được giun D. repens còn sống trong lớp kết mạc nơi mắt một bệnh nhân. Giun nằm cuộn tròn trong một cái kén trong lớp kết mạc của mắt. Sau khi mổ, giun đo được 12 cm.

http://vietbao.vn/Khoa-hoc/Giun-ky-sinh-o-mat-nguoi-dai-12-cm/20764508/188/

Chó vùng Địa Trung Hải có tỷ lệ nhiễm giun D. repens rất cao.

Italy và SriLanka là hai quốc gia cố số người bị nhiễm D. repens quan trọng nhất.

Ngoài hai loại giun D. immitris và D. repens rất phổ biến ở loài chó, chúng ta còn phải kể đến một số giun Dirofilaria khác, tuy hiếm thấy hơn nhưng cũng là những ký sinh trùng có thể truyền từ vật sang cho người (zoonotic infection). Các loài giun nầy thường thấy định vị trong những nốt duới da. Đó là giun chỉ D. striata, D. ursi (ở gấu đen), D. subdermata (ở con nhím porcupine) và D. tenuis (ở gấu trúc Mỹ? raccoon).

Kết Luận

Các khảo cứu về dịch tể học đã cho chúng ta biết là số người bị nhiễm giun chỉ Dirofilaria từ thú không ngừng gia tăng thêm mãi... Các nơi được thấy báo cáo là các xứ thuộc khối Liên bang Sô viết cũ, Tiệp Khắc, Đài Loan, Ấn độ, SriLanka, Iran, Do Thái, Hoa Kỳ, Canada,Nhật Bản, Ý Đại Lợi, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Hung Gia Lợi, Slovakia, Tunisie, Brazil, Úc Châu, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, v.v...

Ngày nay, giới y khoa đã ý thức và cảnh giác hơn khi xưa về những bệnh từ thú lây sang cho người. Các tiến bộ khoa học cũng đã góp phần không nhỏ vào việc chẩn đoán được nhanh hơn và chính xác hơn.

Ngoài ra, hiện tượng hâm nóng toàn cầu (global warming) có thể được xem như yếu tố mấu chốt làm thay đổi môi sinh và sinh thái cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển dễ dàng và có thể hút máu một số lượng lớn thú và người kể cả tại những vùng mà từ xưa nay được xem như là có ít muỗi.

Quả thật, Dirofilariasis là một bệnh từ thú sang người hay là một zoonosis đang lên!

Phòng ngừa bệnh giun chỉ ở chó mèo là việc cần phải quan tâm đến, tuy nhiên vấn đề nầy không đơn giản và dễ thực hiện. Trong thực tế còn rất nhiều người chưa ý thức đúng mức tầm quan trọng của bệnh giun tim chó.

Với số lượng chó hoang quá lớn đang tự do lưu hành tại nông thôn và thành thị ở các quốc gia đang phát triển cộng với sự hiện diện của một số thú rừng hầu như là những vật chủ reservoir thường xuyên của ký sinh trùng Dirofilaria thì việc kiểm soát và phòng ngừa bệnh nhiễm giun chỉ ở người trở nên vô cùng khó khăn và phức tạp. Ngoài ra còn vấn đề muỗi nữa, không thể nào có biện pháp kiểm soát hữu hiệu 100% được hết.

Loại bỏ hoàn toàn giun chỉ Dirofilaria ở chó là một việc không tưởng.

Đây là vấn đề nan giải mà các nhà y tế công cộng đang cố gắng bù đầu bù óc tìm cách giải quyết được chừng nào tốt chừng đó./.

BỆNH GIUN TIM Ở CHÓ

BỆNH GIUN TIM Ở CHÓ.


Là một bệnh do muỗi đốt từ chó mang trứng giun trong máu truyền sang chó khác( mèo cũng có thể nhiễm giun này).Chưa có tài liệu nói nhiễm sang người. Khi vào máu giun tròn tên khoa học là Dirofilaria immitis phát triển thành giun trưởng thành, trú ngụ tại tâm thất phải qủa tim.

Trứng giun cực nhỏ qua 4 giai đoạn phát triển ấu trùng giun, có thể tồn tại trong máu chó 3 năm.Trú ngụ trong cơ thể muỗi từ 8-17 ngày để phát triển tiếp các giai đoạn ấu trùng, muỗi đốt và truyền bệnh sang chó. Chó gầy yếu, sút cân, thiếu máu trầm trọng. Xác chết của giun theo vòng tuần hoàn gây tắc nghẽn mạch hoặc vào phổi gây viêm tắc phế nang chó ho khạc ra máu. Giun còn tiếp tục di hành vào gan,thận gây đau bụng dữ dội. Lượng giun phát tán toàn thân chó chết chỉ trong vòng 2-3 ngày.

Bệnh này ở Việt nam vẫn thường thấy nhưng không ít người cho rằng có giun ở trong tim. BSGV đã thị sát nhiều lò mổ chó tại Nhật tân, Hà nội, Vân đình , Hà tây quan sát thấy nhiều"trái tim chứa đầy giun" sau khi "đồ tể" mổ chó. Hỏi họ vài câu về giun tim, họ nói:" Rất nhiều chó nuôi ở vùng hoang dã, thả rông, ao tù nước đọng mang đến giết mổ thì trong tim toàn thấy có giun".

Như vậy các bạn đừng chủ quan với đàn chó có nguồn gốc hoang dã : Phú Quốc, Bắc Hà... hoặc đàn chó nhập, chuyển vùng có tiếp cận với đời sống hoang dã, môi trường nước bần, tù đọng có nhiều muỗi.. khả năng nhiễm giun tim cao hơn các giống chó nuôi ở nơi vệ sinh và không có ao tù, cống rãnh ô nhiễm..

Bệnh này có thể chủ động phòng được bằng cho ăn thuốc phòng trị giun tim"HeartGard Plus" 6 viên nhai của Pháp hiện có bán trên thị trường Việt nam. Mỗi tháng 1 viên, dùng 6 tháng liền cho cả phòng và trị.Thuốc này còn có tác dụng với nhiều loại giun tròn khác như: giun đũa, tóc, móc, lươn...Thuốc có 3 loại cho các trọng lượng khác nhau của chó.Thuốc rất dễ cho chó ăn vì có vị thịt bò, 97% chó tự ăn thuốc.

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

Thiếu nữ xinh đẹp làm thiên sứ cho chó mèo "cơ nhỡ"

Thiếu nữ xinh đẹp làm thiên sứ cho chó mèo "cơ nhỡ"

Vi Thảo Nguyên sinh năm 1983, hiện đang làm BTV cho một công ty sách ở Sài Gòn. Suốt 5 năm qua, ngoài công việc ở cơ quan, cô gái trẻ 8X này vẫn làm một công việc cần mẫn không giống ai: Nhặt những con chó, con mèo bị bỏ rơi đem về nhà chăm sóc và nuôi dưỡng.

Động lòng trắc ẩn…

Ra trường và đi làm, Vi Thảo Nguyên, cô gái trẻ có chiều cao 1m68, với nước da trắng như sứ, xinh xắn ưa nhìn này không nghĩ rằng cuộc đời cô lại gắn bó sâu nặng với những con vật bị người ta ném ra đường, những con chó, con mèo bị bệnh tật, ốm đau...

Thảo Nguyên bồi hồi nhớ lại: “Một lần em đi làm về, gặp một con chó rất đáng thương, nó bị bỏ nằm giữa mưa và gần như sắp chết. Con phố đông người qua lại, ai cũng ngoái lại nhìn rồi đi. Lúc ấy em quyết định dừng lại, gọi nó. Nó nhướng mắt lên nhìn em, đôi mắt loét, chảy máu. Có thể vì con vật xấu xí tội nghiệp nên chủ đã “hắt hủi” nó ra nông nỗi ấy. Em thấy tội nghiệp quá, ẵm nó về. Vừa ẵm nó lên, nó vẫy đuôi, vẫy ba cái liền rồi ngất luôn, chắc vì nó bị cảm do dầm mưa. Lúc ấy cơ thể nó hôi kinh khủng, bọ chét dính hết qua người em”.

Mô tả ảnh.
Cô gái 8X Vi Thảo Nguyên


Nhưng lúc ấy tình thương của con người dành cho con vật bị bỏ rơi đã khiến cô gái xinh xắn, hiện đại ấy quên đi tất cả. Giọng trầm lại, Thảo Nguyên nói: “Em đã đem nó về cho đi thú y, cho ở lại nhà của bác sĩ thú y để điều trị. Thời gian đầu, nó phải truyền nước, chích thuốc để phục hồi sức khoẻ”.

Chăm sóc con vật yếu ớt ấy, Thảo Nguyên mất gần 1 tháng mới giúp con vật đứng dậy được. Sau đó, Thảo Nguyên mới tập trung chữa trị con mắt cho nó. Lúc nghe bác sĩ bảo một con mắt bên trái của nó đã bị hỏng, không giữ lại được, phải móc ra khâu lại để tập trung chữa trị cho con mắt bên phải của nó.

“Hiện giờ con chó ấy đã được cứu sống, khoẻ mạnh nhưng chỉ có một mắt, nên Thảo Nguyên đặt tên cho nó là Caribe, tức là “cướp biển một mắt vùng Caribê” - Thảo Nguyên hóm hỉnh.

Mỗi con vật đều hằn sâu trong kí ức của “cô chủ tốt bụng” Vi Thảo Nguyên một kỉ niệm đẹp. Và những con vật bị bỏ rơi đều mang một cái tên gắn liền với cảnh ngộ của chúng khi được “cô chủ” nhặt được.

Năm 2008, trong một lần đi chơi với bạn, Thảo Nguyên chợt thấy một con chó cong đuôi chạy hớt hơ hớt hải ngoài đường. Với kinh nghiệm nhặt con vật bị bỏ rơi, Thảo Nguyên đoán rằng con chó ấy có số phận éo le. Cô tiếp cận con vật bằng cách ngồi lại gần nó, nói chuyện với nó một lúc rồi xích lại dần với nó, lúc đầu nó sợ, nó co cẳng định bỏ chạy.

Thảo Nguyên vẫn tỉ tê với nó, con vật có vẻ xuôi tai, nên bỏ ý định chạy trốn. Rồi đến lúc Thảo Nguyên chạm vào con vật, chạm vào đuôi và quan sát nó một lúc mới chạm được vào cơ thể nó. Con vật đứng yên, không bỏ chạy mà để Thảo Nguyên bế mang về. Nhìn thấy vú nó “căng tròn”, Thảo Nguyên đoán nó mới đẻ con.

Hôm sau, Thảo Nguyên đi dọc con đường cũ để hỏi xem có ai mất chó không, nhưng không ai nhận, thế là Thảo Nguyên đặt tên con chó là “Đậu phộng”, tiếng miền Nam nghĩa là “Lạc”.

Mô tả ảnh.
Những con chó mèo hoang được cô đưa về chăm sóc


Tình thương của “thiên sứ”

Vi Thảo Nguyên hiện ở chung cư Nguyễn Văn Luông P.12, quận 6. Nhà cô hiện giờ nuôi 20 con mèo, 8 con chó có chung số phận: bị chủ bỏ rơi, bị lạc đường... Ngoài ra, còn có gần 100 con chó mèo sau khi được chăm sóc trở nên khoẻ đẹp, đã có người xin chúng về nuôi.

Mỗi lần cho con vật đến nhà chủ mới, Thảo Nguyên thường tìm đến tận nhà chủ mới để tìm hiểu gia cảnh người ta như thế nào, chẳng khác gì sắp cho con về nhà chồng vậy. Không phải chủ nào nhận nuôi con vật cũng đều suôn sẻ. Thảo Nguyên nói: “Có trường hợp chủ nhận nuôi một con mèo, nhưng để nó bị gãy cột sống, rồi mang trả lại em”.

Chữa trị cho một con chó hay mèo bị ốm, cũng tốn kém lắm. Thảo Nguyên kể: “Mỗi ngày chích thuốc là 60.000 đồng, chích liên tục trong một tuần. Điều đáng lo hơn nữa là nhà em chật nên một con bị bệnh sẽ có khả năng lây bệnh rất cao”. Có lần, một con mèo vì mải chơi, ngã từ tầng 5 xuống đất, nát một chân. Bác sĩ thú y yêu cầu phải lắp ốc vào chân cho con mèo, hỏi ra chi phí hết... 2,5 triệu!

Đối với những con vật bị chết do bác sĩ thú y bó tay vì không cứu chữa nổi, cô đều mang chúng đến nhà thiêu của thú y ở quận 8 để cho chúng được có cơ hội siêu thoát.

Hiện nay, Thảo Nguyên cùng nhóm bạn yêu động vật của mình đã thành lập hội www.yeudongvat.org và thường có những hoạt động âm thầm để gây dựng quỹ cho tổ chức. Cô mong rằng quĩ này sẽ có sức quảng bá lớn và tạo nên sức ảnh hưởng để truyền tải cho mọi người thông điệp biết yêu thương các loài động vật nói chung.

(Theo Thể thao Văn hoá)