Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

Bệnh chó dại đang âm thầm phát triển ở nông thôn


Bệnh chó dại đang âm thầm phát triển ở nông thôn

Khoảng tháng 1/2010 bà Lê Thị Chiến (Quỳnh Lưu - Nghệ An) đang ngồi chơi với cháu ngoại thì một con chó cúc từ nhà hàng xóm chạy sang. Bà Chiến vội giơ tay ngăn lại thì bị nó đớp vào tay. Vết cắn chỉ hơi trượt ngoài da, làm bong nhẹ lớp biểu bì rướm máu. Bà Chiến lấy dầu bôi vào vết thương. Chuyện con chó cúc nhỏ cắn cũng được bỏ qua.


Sau một thời gian, có một điều lạ là cứ đến bữa ăn bà Chiến lại bê bát cơm của mình đi ra sau nhà, bà đổ nước lã múc từ giếng lên và ăn rất nhanh. Chỉ 2, 3 miếng và là đã hết bát cơm. Khác với trước đây bà ăn chậm, từ tốn và đặc biệt không thích đổ canh vào cơm. Sự việc rồi cũng được bỏ qua cho tới một ngày có đám tang của một bà láng giềng. Bà Chiến đột ngột phát bệnh, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng và cả tiếng động. Bà phải chui xuống gậm giường, đóng hết cửa mà vẫn bị khớp ánh sáng. Đến bấy giờ cả nhà mới vỡ lẽ nhớ lại con chó cúc nhỏ đã cắn bà. Nhưng tất cả quá muộn, bà đã lên cơn bệnh dại.

Nguyên nhân gây bệnh:

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm do virut dại thuộc họ Rhabđoviridae gây tổn thương hệ thần kinh trung ương của các loài động vật có vú như chó, mèo, chuột... được lây truyền từ nước bọt của con vật đã bị bệnh cắn. Hiện nay vẫn chưa có thuốc nào chữa được bệnh dại khi đã lên cơn. Chỉ có phương pháp tiêm phòng sớm, đúng mới mong cứu sống được người bệnh. Bệnh dại lưu hành trên tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là các vùng nông thôn.

Vùng tập trung nuôi nhiều chó, mèo và các loài gặm nhấm ăn theo như chuột, dơi. Chó nuôi ở nông thôn, kiểu nuôi tự phát. Mỗi gia đình nông dân trung bình có từ 1 đến 2 con chó, 1 đến 2 con mèo. Đa phần là chó mèo thả rông. Mạng lưới tiêm chủng phòng dại và quản lý phòng bệnh đang là vấn đề khá trễ nại và tự phát. Gần 50% số người chết do bệnh dại hàng năm ở độ tuổi từ 1 đến 16 tuổi, số còn lại hầu hết nằm trong độ tuổi lao động.

Thời kỳ ủ bệnh:

Còn gọi là thời kỳ nung bệnh. Từ khi người bị chó, mèo dại cắn đến khi trổ bệnh (thời kỳ toàn phát) trung bình là 40 ngày. Thời kỳ ủ bệnh này có thể kéo dài từ 6 tháng thậm chí hàng năm. Tùy thuộc vào vết thương con vật dại cắn. Vết thương càng sâu, càng gần thần kinh trung ương thì thời kỳ ủ bệnh càng rút ngắn lại. Cũng có trường hợp từ khi bị con vật dại cắn cho tới khi trổ bệnh chỉ trong vòng 1 tuần.

Chuyển từ thời kỳ ủ bệnh sang thời kỳ trổ bệnh thông thường có yếu tố khởi động như qua một đợt stress về sức khỏe tinh thần. Bệnh nhân bị mắc mưa, cảm lạnh, đột ngột bị đau đầu, sốt, đau cơ, khó chịu, mệt mỏi, ăn kém ngon miệng kèm theo viêm họng, ho khan. Triệu chứng trổ bệnh gợi ý là tê bì, co cứng cục bộ tại vùng vết thương bị cắn.

Thời kỳ trổ bệnh:

Còn gọi là thời kỳ toàn phát. Đây là thời kỳ não bộ bị tổn thương nghiêm trọng. Thường khởi đầu bằng tăng quá mạnh hoạt tính vận động, kích thích và xúc động. Bệnh nhân nhanh chóng xuất hiện lú lẫn, ảo giác, tính gây gổ, kích thích màng não, người uốn cong, động kinh và liệt cục bộ. Một đặc trưng các thời kỳ xen kẽ giữa tổn thương thần kinh lại trở về tỉnh táo minh mẫn. Khi tỉnh bệnh nhân biết mình sẽ chết. Ý thức được lúc sắp lên cơn để bảo người nhà trói mình lại hoặc tránh ra xa. Bệnh nhân rất nhạy cảm với tiếng động, tai nghe rất thính, mũi ngửi rất tinh.

Khám bệnh nhân sốt 38oC, có thể cao hơn 40oC. Đồng tử hai bên giãn không đều, sợ gió, sợ nước, chỉ nhìn thấy nước đã lên cơn co giật. Khó nuốt là triệu chứng đặc trưng. Viêm dây thần kinh thị giác, liệt dây thần kinh âm thanh. Tăng tiết nước bọt, làm cho bệnh nhân phải nhổ vặt liên tục. Do kích thích tăng tiết nước bọt lại khó nuốt nên nước bọt có chứa nhiều virut dại sùi ra 2 bên mép. Khi bệnh càng tăng thì xen kẽ giữa các cơn tỉnh táo càng ngắn lại. Bệnh nhân đi vào hôn mê, tổn thương trung tâm hô hấp, tử vong do ngừng thở.

Phương pháp phòng chống bệnh dại:

Khi chưa có dịch phải hạn chế nuôi chó. Nếu đã nuôi thì phải xích, nhốt. Chó ra đường phải có rọ mõm. Phải diệt chó chạy rông, chó vô chủ. Khi trong địa phương xuất hiện chó dại thì phải diệt hết ngay đàn chó đang nuôi. Tuyệt đối không bán chạy chó ở nơi đang có dịch sang vùng không có dịch, để ngăn chặn phát tán bệnh dại sang vùng chưa có dịch. Những người tiếp xúc với chó mèo dại, những người bị chó mèo dại cắn phải đi tiêm phòng ngay càng sớm càng tốt.

Xử lý người bị súc vật nghi dại cắn:

Rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng xà phòng đậm đặc 20%, sau đó rửa bằng nước muối sinh lý 0.9%. Bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iod đậm đặc. Mục đích xử lý tại chỗ nhằm giảm đến mức thấp nhất lượng virut dại tồn tại nơi vết cắn. Trong trường hợp cần thiết phải cắt lọc, nhưng không khâu vết thương ngay mà phải chờ sau 5 ngày mới khâu.

Theo báo nongnghiep.vn

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010










Một chú chó giống Great Dane ở Mỹ hôm qua chính thức được sách kỷ lục Guiness công nhận là con chó cao nhất thế giới từ trước tới nay.

Theo BBC, con chó giống Great Dane này có tên là George Khổng lồ. Chú có chiều cao tới 1,09 m và nặng 111 kg. Theo trang web của chú, George ngốn gần 50 kg thức ăn mỗi tháng.

George được sách Guiness ghi nhận hai kỷ lục là con chó còn sống cao nhất thế giới và con chó cao nhất từ trước tới nay. Về nhì sau George là một con chó tên Titan, cũng thuộc giống Great Dane, chỉ thua có 2 cm.


Người chủ cho hay George có một chiếc giường cỡ lớn ở nhà. Trong một chuyến bay tới Chicago gần đây, George còn được dành hẳn một hàng gồm 3 ghế.

Sự xuất hiện của chú trên máy bay cũng khiến nhiều người tò mò. "Vì có quá nhiều người tới phía đầu máy bay để chụp ảnh, phi công phải bật đèn ra hiệu thắt dây an toàn để mọi người ngồi xuống", David Nasser, người chủ của con chó, cho hay.

Thứ Hai, 10 tháng 5, 2010

Mèo mẹ chăm sóc con như thế nào ?


Mèo mẹ chăm sóc con như thế nào ?

Giữa mèo mẹ và con có mối liên hệ rất đặc biệt, "tình mẫu tử" là một bản năng của mèo : biết hy sinh, xả thân, biết nhường nhịn và ý thức dạy dỗ con cái luyện tập hành vi , kỹ năng sống và săn mồi, tự vệ.
Chăm sóc con những ngày đầu đời.

Từ 10-12 ngày đầu mèo con bị "mù" và điếc do đó mèo mẹ lập phản xạ "tìm vú" bằng cách liếm láp thu gom con mình vào hàng vú căng sữa của mình. Những giọt sữa đầu của mèo mẹ trong vòng 24 giờ sau sinh vô cùng ý nghĩa bảo đảm cho mèo con có kháng thể chống bệnh trong những tuần đầu đời. Cũng bằng chiếc lưỡi "đa năng", mèo mẹ liếm kích thích lỗ tiểu và hậu môn "xi" đái ỉa và " vệ sinh" sạch sẽ. Giai đoạn này mèo mẹ dễ bị tiêu chảy do ăn phân và nước tiểu của con, thức ăn cho mèo mẹ cần dễ tiêu và giảm chất béo.

Chỉ có mẹ là đủ !

Nên để mèo tự chăm con, càng ít tác động của con người càng tốt. Không cho các em nhỏ vần vò mèo con trong 3 tuần đầu. Mèo mẹ rất nhậy cảm với bản năng bảo vệ, do sợ hãi mà dễ dàng tha cắp con cất dấu, lẩn trốn đâu đó mà ta không kiểm soát được. Thường cắn cổ tha con dễ gây tổn thương, đôi khi con chết ngạt do nghẹn thở. Nếu chủ mèo muốn kiểm tra sức khỏe mèo con, chỉ nên nhìn, quan sát mắt, miệng , mũi xem có dử, nước mũi và nhịp thở khò khè.


Mèo mẹ hoảng sợ tha con cất giấu khi có nguy hiểm.

Mèo con cần mẹ tới khi nào?

Từ 3 đến 6 tuần tuổi, mèo mẹ bắt đầu dạy mèo con các động tác căn bản, quan trọng: di chuyển, trèo leo, chạy nhảy, rình mò bắt mồi, lấy thức ăn và hàng loạt kỹ năng sống và tự vệ cần thiết trong đời sống tự nhiên, hoang dã. Cho tới 8 tuần tuổi, mèo mẹ mới có thể huấn luyện mèo con bắt chuột, tất nhiên " mèo nhỏ chỉ bắt chuột con" !

Vì lẽ trên, không nên tách mẹ sớm, cho bán mèo con trước 6 tuần tuổi.

Khi nào thì mèo mẹ cai sữa cho con ?

Từ 6-8 tuần tuổi mèo mẹ bắt đầu cai sữa cho con bằng cách thưa dần các lần cho bú, thay vào đó mèo mẹ thường "biểu diễn" các động tác lấy thức ăn, nhai, gặm xương hoặc thức ăn rắn trước đàn con. Thậm chí mèo mẹ còn nhả thức ăn đang nhai dở, ói thức ăn từ dạ dày ra cho các con tập ăn. Thời kỳ này chất lượng sữa mẹ không còn tốt và lượng không đủ để nuôi đàn con lớn. Đặc biệt mèo mẹ biết đề phòng bệnh "sốt giật do mất cân bằng can-xi huyết" cấp tính dễ tử vong.




Mẹ con mèo Bông nhà Bác sỹ Greenvet.

Chủ mèo cần làm gì khi mèo con 12 tuần tuổi ?

Cùng hỗ trợ mèo mẹ chăm sóc, dinh dưỡng đủ chất cho mèo con.

Cần để mèo con chơi đùa, vận động thường xuyên, tắm nắng tự nhiên chống bệnh còi xương, mềm xương và biến dạng cột sống do cơ thể không hấp thu được can-xi từ thức ăn.

Liên hệ các bác sỹ thú y tư vần về lịch trình tiêm vaccine phòng bệnh và tảy giun sán.

Những điều cần biết khi mèo con tách mẹ.

Tuy mèo mẹ không còn dùng nhiều sữa , chăm con như những tuần đầu nhưng cho tới 3 tháng tuổi mèo mẹ vẫn theo dõi để hoàn thiện các hoạt động của con mình,đặc biệt tình mẫu tử có thể là stress nếu mèo con bị tách nuôi độc lập, chuyển về nhà mới, chủ mới. Mèo con thường kêu gào, gọi mẹ, bỏ ăn những ngày đầu xa mẹ.

Giảm nhẹ stress, tạo môi trường sống tốt, nhanh chóng thích nghi bằng cử chỉ âu yếm, ôm ấp khi mới tách mèo con là cần thiết.

Nhu cầu chơi đùa, chạy nhảy trong không gian tự nhiên dưới ánh sáng mặt trời là không thể thiếu khi bạn mới đón mèo về nhà nuôi.

Cho ăn hợp lý, đủ chất dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe theo hướng dẫn của chuyên môn, tình yêu thương bảo đảm cho mèo của bạn có một cuộc sống hạnh phúc.

Bác sỹ Thú Y Hoàng Ngọc Báu



GreenvetHN (Theo www.vietpet.com)

Chó nhỏ thường hung dữ hơn chó lớn

Chó nhỏ thường hung dữ hơn chó lớn

Khi nghĩ về một con chó dữ tợn, bạn chắc sẽ nghĩ đến một con thú to bự đang nhe răng gầm gừ. Nhưng trong thế giới của các chú khuyển, những kẻ côn đồ lại là những giống nhỏ nhắn.
Giống chó chồn (mình dài, chân ngắn) đứng đầu danh sách những kẻ hung dữ nhất, trong đó cứ 5 con thì có 1 con cắn người lạ mặt. Khoảng 20% thì tấn công các con chó khác và 1/12 con "ngoạm" luôn cả người chủ.

Đứng thứ hai trong danh sách là loài chó thậm chí nhỏ hơn, Chihuahua, tiếp đến là chó sục Jack Russel.

Loài chó to lớn lọt vào danh sách là Akita, đứng thứ 4, trong khi chó pit bull đứng thứ 6. Các loài Rottweiler và Rhodesian (trông rất dữ tợn) thậm chí không lọt vào top 10.

Nghiên cứu dựa trên cuộc phỏng vấn 6.000 người nuôi chó do nhóm tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, thực hiện.




Chihuahua. Ảnh: Datingpuppy.

Nhà nghiên cứu James Serpell nhận định kết quả cho thấy những giống chó nhỏ thường có hành vi hung hăng hơn, xét về mặt di truyền. Nhưng vết cắn từ những loài chó lớn hơn thì thường gây nguy hiểm hơn.

Theo nghiên cứu, chó pit bull, Rottweiler and Rhodesian xếp hạng trung bình về mức độ nguy hiểm với người lạ. Chó tha mồi lông vàng, chó baxet, chó tha mồi lông đen, chó Et-ki-mo và chó săn thỏ đứng ở cuối danh sách.

Tuy nhiên, chuyên gia Pam Bungard thuộc Câu lạc bộ chó Chihuahua của Anh thì cho biết cô đã nuôi 14 con cũng như tiếp xúc với hàng trăm con chó khác và chưa bị cắn bao giờ.

"Chúng có thể hiếu động đôi chút nhưng sẽ nhanh chóng leo lên lòng bạn và nhảy nhót. Tôi nghĩ mọi người có thể nhầm lẫn sự phấn khích với sự hung bạo", Bungard nói.
M.T. (Theo Daily Mail)

Nhân bản thành công chó Tây Tạng


Nhân bản thành công chó Tây Tạng

Nhà khoa học người Hàn Quốc Hwang Woo-suk vừa tuyên bố nhân bản thành công 17 con chó Tây Tạng, Trung Quốc.
Đây là giống chó quý hiếm ở Trung Quốc và được nhà khoa học nổi tiếng Hwang Woo-suk nhân bản nên thu hút được sự chú ý của dư luận. Hơn nữa, cả 17 con chó kể trên đều được nhân bản từ một con chó và đang nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn.

Ông Hwang Woo-suk từng được chính phủ Hàn Quốc cho phép thành lập Ngân hàng tế bào gốc để cung cấp cho toàn thế giới, chi 600.000 USD/năm để nghiên cứu khoa học, chuẩn bị khởi công trung tâm thí nghiệm trị giá 25 triệu USD... nhưng mọi việc đã kết thúc sau khi Hwang Woo-suk bị cho là gian lận, bịa đặt các kết quả nghiên cứu khoa học và ngụy tạo dữ kiện nghiên cứu.

Mặc dù bị tước bỏ tất cả những danh hiệu trước đây, nhưng nhà khoa học Hwang Woo-suk vẫn không bị Bộ Y tế Hàn Quốc kết tội - ông ta không phạm tội cả về phương diện đạo đức cũng như pháp luật.

Theo tiết lộ của giới truyền thông, ông Hwang Woo-suk muốn tiếp tục công tác nghiên cứu dang dở, nhất là nhân bản vô tính và tế bào gốc nên đã rời Hàn Quốc cách đây gần 1 năm



NTHN (Theo CAND online.)

"Đệ nhất cẩu" đang "sốt"


"Đệ nhất cẩu" đang "sốt"


Người Đức đang điên loạn vì "Đệ nhất cẩu" nhà Obama, chú chó lội nước Bồ Đào Nha chính thức ra mắt giới truyền thông chiều 14/4. Chú chó Bo này vừa được đặt biệt danh là "Bobama". Tuy vừa 6 tháng tuổi nhưng Bo đã trở thành chú cún quyền lực nhất thế giới.
Lý do nhà Obama chọn chú cún Bồ Đào Nha bởi cô bé Malia bị dị ứng với lông chó. Họ tin rằng, chú cẩu ấy sẽ thân thiện và tốt cho bọn trẻ. Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Barack Obama đã hứa với hai con gái sẽ mua một con vật nuôi trong nhà nếu ông đắc cử. Không nuốt lời, hôm thứ hai vừa rồi, ông chủ tòa Bạch ốc này đã làm hai tiểu thư ngạc nhiên khi ra mắt chú cún Bo dễ thương có bộ lông xoăn tít và hai chân trước màu trắng.

Dietlind Scholz, chủ một trại nuôi chó Lower Saxony ở Đức, cho hay: "Nhu cầu về giống chó này đang quá tải tại đây. Điện thoại của tôi đổ chuông liên tục. Hiện đã có ít nhất 100 người gọi cho tôi đặt hàng. Tất cả họ đều muốn những chú cún nhỏ. Yêu cầu ấy quả là khó khăn ở Đức tại thời điểm này. Bây giờ chỉ có 3 hoặc 4 người nuôi loại chó Bồ Đào Nha. Trong tay những chủ nuôi đó có tối đa khoảng 150 con".

Scholz hy vọng các gia đình đặt mua chó không xem chúng như đồ trang sức. "Chúng tôi chỉ bán chó cho những người thực sự yêu thương và muốn được chăm sóc chúng và tuyệt đối không giao nó cho những ai chỉ chạy theo trào lưu", người chủ cho biết.

Bild đưa tin, chó lội nước Bồ Đào Nha có nguồn gốc từ giống chó của các ngư dân ở Algarve, Bồ Đào Nha. Gần đây nó hầu như đã bị tuyệt chủng. Những con cún nhỏ giờ có giá hơn 1.000 euro.



Bình Minh (Theo Ngoisao.net)